Kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) liệu có an toàn và bền vững?
26/03/2021 | Tác giả: Thắng Hoàng
Kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) liệu có an toàn và bền vững?
Thương mại điện tử đã trở nên quen thuộc với cuộc sống và đang dần thay thế thương mại truyền thống. Nhiều nhà bán hàng đang dịch chuyển hẳn từ kinh doanh truyền thống qua kinh doanh trên các nền tảng online hoặc duy trì cả hai kênh nhưng ngày càng chú trọng hơn đến việc bán hàng trên các nền tảng trực tuyến.
Nhiều nhà bán hàng khác thậm chí chọn chỉ kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến là các sàn TMĐT (Tiki, Lazada, Shopee, Sendo,...) mà bỏ qua các kênh online khác như facebook, zalo, website,... do tính tiện lợi và trọn gói mà các sàn TMĐT mang lại. Tiện lợi và trọn gói ở chỗ nhà bán hàng chỉ cần đăng bán sản phẩm lên các sàn TMĐT, nếu có đơn hàng phát sinh bên vận chuyển của sàn TMĐT có thể đến tận nơi lấy hàng cho nhà bán, đem giao cho khách hàng, thu tiền và gửi trả nhà bán. Nghe có vẻ rất đơn giản và thuận tiện cho nhà bán hàng nhưng sự thật có đúng như vậy, liệu nhà bán hàng có nên phó thác hoàn toàn công việc kinh doanh của mình cho các sàn TMĐT? Mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Thứ nhất, việc theo dõi đơn hàng trên các sàn TMĐT không hề đơn giản. Sau khi bên vận chuyển lấy hàng từ nhà bán (sellers) đem đi giao cho khách, gói hàng có thể mất từ vài ngày đến hàng tuần để đến được tay khách hàng. Sau khi hàng đến tay khách bên vận chuyển mới thu tiền thanh toán cho sàn TMĐT và lúc đó sàn TMĐT mới thanh toán cho nhà bán. Quá trình này khá lằng nhằng nên việc nhà bán theo dõi từng đơn hàng để biết hàng đang ở đâu, tình trạng thanh toán như thế nào là không hề đơn giản. Đặc biệt với những nhà bán có lượng đơn hàng lớn thì hầu như không thể theo dõi được vì sẽ tốn rất nhiều thời gian, sức lực, công sức và tiền bạc để làm việc này. Nhưng nếu không thể theo dõi kỹ từng đơn hàng thì mọi việc mặc nhiên phó thác cho các sàn TMĐT và tình trạng thất thoát, mất mát đơn hàng, thanh toán không đúng, không đủ hoàn toàn có thể xay ra, gây thiệt hại cho nhà bán hàng.
Thứ hai, như đã nói trên, đơn hàng có thể mất vài ngày thậm chí hàng tuần mới đến được tay khách hàng, sau khi hàng đến tay khách cũng không có nghĩa là tiền về tay nhà bán. Như vậy nhà bán cần chuẩn bị một dòng tiền đủ để tiếp tục nhập hàng bán hàng trong khi chờ đợi tiền từ các đơn hàng đã bán về tay mình. Đây là một bất lợi lớn so với kinh doanh truyền thống khi mà hàng bán tiền trao.
Thứ ba, vì bán hàng trên các sàn tmđt nên nhà bán hàng hoàn toàn phụ thuộc vào sàn TMĐT. Sàn TMĐT có thể đóng gian hàng của nhà bán hàng bất cứ lúc nào nếu vi phạm chính sách của họ. Vì lý do này mà các nhà bán hàng càng lâu năm, càng nhiều thời gian xây dựng gian hàng, nhiều sản phẩm, thì càng phụ thuộc vào sàn TMĐT vì chỉ cần làm họ phật ý là bao nhiêu công sức coi như đổ sông đổ biển. Điều này tạo cơ hội cho các sàn TMĐT chèn ép nhà bán hàng.
Thứ tư, phí bán hàng trên các sàn TMĐT ngày càng tăng cao. Sau một thời gian khuyến mãi mạnh, cạnh tranh nhau thu hút nhà bán hàng, hiện nay các sàn TMĐT đều ra sức thu phí nhà bán hàng để bù đắp cho khoản tiền mà họ đã chi ra để làm marketing, phát triển hệ thống,...vv. Ngoài phí bán hàng nhà bán hàng còn có thể phải chịu thêm các phí khác như phí chiết khấu, phí xử lý đơn hàng, phí lấy hàng,..vv.
Như đã nói trên, việc bán hàng trên các sàn TMĐT có không ít những rủi ro như việc cần chuẩn bị nguồn vốn quay vòng, việc phụ thuộc vào sàn TMĐT và chịu sự chèn ép của sàn, và việc bị thu phí ngày càng tăng, và có thể còn nhiều bất lợi khác. Vì vậy nếu nhà bán hàng xác định làm ăn lâu dài, độc lập tự chủ thì chỉ nên coi việc bán hàng trên các sàn TMĐT như một chân phụ trong việc phát triển kinh doanh.
P/S: Và đối với khách hàng, nói cho cùng thì sàn TMĐT chẳng qua cũng chỉ là một trung gian bán hàng. Chuỗi phân phối sản phẩm đi từ nhà sản xuất đến nhà phân phối, sau đó xuống đến các đại lý và nhà bán lẻ rồi đến khách hàng. Hiện nay thêm sàn TMĐT thì sẽ thêm một mắt xích chen giữa các đại lý hoặc nhà bán lẻ và khách hàng (nhà sản xuất, nhà phân phối không ham thích việc bán lẻ trên các sàn TMĐT) nên việc khách hàng phải chịu thêm chi phí, gói hàng trở nên đắt đỏ hơn là đương nhiên. Ngoài việc lấy phí nhà bán thì sàn TMĐT còn lấy phí của bên vận chuyển nên phí vận chuyển gói hàng đến tay khách cũng trở nên cao hơn so với việc nhà bán gửi thẳng gói hàng qua bên vận chuyển đến tay khách. Khách hàng sẽ phải chịu tất cả các chi phí đội lên này nếu chọn mua trên các sàn TMĐT.
Thắng Hoàng