Công thức ngâm dâu tằm đơn giản, dễ làm
07/04/2020 | Tác giả: Nongsanbanbuon
Vào những ngày nắng hè gay gắt, thưởng thức một ly nước dâu ngâm mát lạnh có vị chua ngọt thì quả là tuyệt vời. Dưới đây là công thức ngâm dâu đơn giản, dễ làm Nongsanbanbuon chia sẻ đến bạn đọc
Dâu ta hay còn được gọi là dâu tằm là loại cây được mệnh danh “tiên dược”, có thể chữa được rất nhiều loại bệnh. Loài cây này được trồng phổ biến ở vùng nông thôn phía Bắc. Mùa dâu bắt đầu vào tháng 4 hằng nằm và thường kéo dài 3 đến 4 tuần do khi chín dâu rất dễ bị rụng. Dâu chín có màu tím đỏ, mọng nước. Dâu ta/ dâu tằm là loại quả lành tính, có lợi cho sức khỏe. Quả dâu tằm có vị chua ngọt, nhiều nước nên thường được dùng ngâm rượu, làm thuốc, chế biến thành mứt, siro ngâm.
Nước dâu ngâm là món phổ biến nhất của dâu tằm. Dâu ngâm có tác dụng bổ gan, mát gan, bổ thận, hỗ trợ bộ phận tiêu hóa và tăng sức khỏe cho con người. Với người già sử dụng nước dâu có thể chữa được chứng mất ngủ lâu ngày, thiếu máu lên não, táo bón. Đối với trẻ nhỏ thì nước dâu ngâm đường giúp giảm chứng ra mồ hôi trộm. Nước dâu ngâm với chị em phụ nữ lại có tác dụng làm đẹp giúp cho làn da hồng hào, căng mọng, ngăn ngừa lão hóa sớm. Uống một ly nước dâu ngâm đường hàng ngày còn giúp làm giảm các nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Nguyên liệu :
- Dâu tằm : 2kg
- Đường : 1,5kg
- Lọ đựng
Cách làm :
Bước 1: Xả sẵn một thau nước sạch rồi cho dâu vào rửa. Rửa nhẹ nhàng để dâu ra hết bụi bẩn, không nên rửa mạnh tay vì dâu chín rất dễ dập nát.
Bước 2 : Đun một nồi nước sôi, cho vào nồi một nhúm muối nhỏ. Nước sau khi sôi để nguội bớt rồi cho dâu vào trần trong 3 phút vớt ra để ráo nước
Bước làm này nhằm giúp dâu không bị màng khi ngâm
Bước 3 : Ngâm dâu
Lấy lọ đựng ngâm đã chuẩn bị sẵn, xếp trải một lớp dâu xen kẽ với một lớp đường. Cứ tiếp tục thao tác như vậy cho đến khi hết phần nguyên liệu đã chuẩn bị và đậy chặt kín nắp hũ.
Bước 4 : Sau khi đường tan hết ngấm vào dâu thì bạn có thể chắt ra sử dụng ngay thành phẩm
Bước 5 : Để bảo quản dâu ngâm lâu hơn, sau một tuần, bạn mang bình dâu ngâm chắt lọc lấy phần nước cốt riêng, bã riêng. Phần bã có thể xào cô đặc lại làm mứt dung ăn kèm với bánh mì, sữa chua,… Còn phần nước cốt bạn đun sôi để nguội rồi cất vào lọ làm siro uống.
Chúc các bạn thành công !