Đôi nét về kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và Canada
08/11/2022 | Tác giả: Van Thang Hoang
1. Kim ngạch thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ
Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 111 tỉ USD năm 2021. Đặc biệt, kim ngạch song phương năm 2021 tăng gần 21 tỉ USD so với năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại thứ hai, có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỉ USD với Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.
Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỉ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.
Gần đây, nhiều công ty lớn của Việt Nam như Bamboo, Vietnam Airlines, Vietjet đã có những hợp đồng hàng tỉ USD nhập khẩu máy bay Boeing, nhập khẩu các trang thiết bị, động cơ khác sử dụng trong ngành hàng không… cũng góp phần hài hòa quan hệ thương mại Việt - Mỹ theo hướng có lợi cho cả hai bên, bổ sung cho nhau theo hướng tận dụng tối đa ưu điểm từng bên.
Hiện nay, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như bông, ngô hạt, sản phẩm từ sữa,…
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ. Theo Bộ Công Thương, đến hết tháng 4.2022, có 6 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch hơn 1 tỉ USD gồm: Dệt may, điện thoại, máy vi tính, máy móc, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép.
Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng của nhiều nhóm hàng chủ lực thuộc lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, bao gồm: Thủy sản (đạt gần 850 triệu USD); hạt điều (đạt 286 triệu USD); cà phê (gần 103 triệu USD)...
2. Kim nghạch thương mại Việt Nam – Canada
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khối ASEAN, đổi lại, Canada là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ (sau Mỹ, Brazil).
Dư địa cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Canada vẫn còn rất lớn khi thị phần mới chỉ chiếm 1,7% giá trị nhập khẩu của Canada. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước năm 2021 đạt 6,03 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2020. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt 5,27 tỷ USD, tăng 20,8%, nhập khẩu từ Canada đạt 760,7 triệu USD, tăng 4,7%.
Trong 80 thị trường xuất khẩu chủ yếu, Canada là thị trường mà Việt Nam xuất khẩu, xuất siêu lớn, với dự báo xuất khẩu cả năm 2022 đạt trên 7 tỷ USD, xuất siêu 6 tỷ USD.
Xuất khẩu sang Canada có nhiều mặt hàng. Trong 26 mặt hàng chủ yếu, có 10 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, với xuất khẩu lớn nhất là hàng dệt may; điện thoại và linh kiện; giày dép; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; thủy sản; phương tiện vận tải.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Canada các mặt hàng chủ yếu phục vụ cho sản xuất hoặc các sản phẩm mà Việt Nam không hoặc chưa sản xuất được như: phân bón, thủy hải sản, đậu tương và hạt có dầu, lúa mỳ, bã hạt có dầu, sắt thép các loại, kim cương, da động vật, máy móc, thiết bị phụ tùng, cao su nhân tạo, chất dẻo nguyên liệu, dược phẩm, thịt bò, gỗ xẻ, sản phẩm sữa, kẽm và hợp kim kẽm, phương tiện vận tải và phụ tùng, nickel, nhôm và sản phẩm nhôm… Trong đó, 10 mặt hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam từ Canada:
- Lúa mỳ - mã HS1001
- Than đen – mã HS27
- Thủy hải sản (tôm hùm, tôm nước lạnh, cá bơn, cua, trai, sò) – mã HS03
- Bã hạt có dầu, thức ăn gia súc – mã HS23
- Đậu tương và hạt có dầu – mã HS12
- Phân bón – mã HS31
- Máy in các loại, fax, scan, máy tính và linh kiện, máy tính tiền siêu thị, máy giặt, dụng cụ cơ khí… - mã HS84
- Lông thú – mã HS43
- Phương tiện vận tải và phụ tùng – mã HS 87
- Gỗ xẻ - mã HS44